Cẩm nang

Biện pháp thi công xây gạch công trình xây dựng

Mục đích cần tuân thủ để bảo đảm công tác xây tường gạch từ lúc bắt đầu nhận hiện trường đến lúc có thể bắt đầu công tác khác.
Biện pháp thi công xây gạch công trình xây dựng - Giá khoán Xây dựng  


I.     HƯỚNG DẪN :

A.  Công tác chuẩn bị :

1.  Mặt bằng :

1.1   Trước khi xây, kiểm tra các đường tim, trục móng, tường, cột và cao độ chuẩn theo bản vẽ quy định.

1.2   Xác định mốc cao độ, trục nhà và công trình phải được kiểm tra, nghiệm thu và lập thành biên bản.

1.3   Trước khi xây móng, đáy và thành hồ móng phải được kiểm tra và bảo vệ.

1.4   Khi các hố móng gần nhau có chiều sâu chân móng khác nhau, phải đào bậc chuyển từ chiều sâu này sang chiều sâu khác.

2.  Vật liệu, dụng cụ :

2.1. Chuẩn bị đầy đủ các vật liệu, dụng cụ, tưới ướt gạch trước, ngay khi vận chuyển gạch phải chọn trước những viên gạch có góc cạnh cân đối, sắp xếp gạch nhẹ nhàng, không làm sứt vỡ các góc cạnh.

2.2. Vật liệu chế tạo hỗn hợp vữa xây phải đúng quy định, phải đảm bảo chất lượng.

2.3. Các loại gạch xây phải đảm bảo yêu cầu về cường độ, quy cách, tiêu chuẩn kĩ thuật như quy định và đảm bảo chất lượng.

2.4. Bãi chứa vật liệu phải khô ráo, sạch, thoát nước tốt, các vật liệu rời không đổ lẫn lộn với nhau.

2.5. Gạch đá xếp đống phải đảm bảo kĩ thuật an toàn, không được để mọc rêu, mốc, bẩn.

3.  Vữa xây dựng :

3.1. Đối với vữa, có khi tường trong và ngoài dùng vữa có mác khác nhau, cho nên phải nói rõ cho những người vận chuyển vữa biết để khỏi bị nhầm lẫn.

3.2. Xác định liều lượng pha trộn vữa tiến hành trước khi bắt đầu xây và được Chủ đầu tư chấp nhận.

3.3. Vữa dùng trong khối xây gạch phải có mác và chỉ tiêu kĩ thuật thoả mãn yêu cầu thiết kế.

3.4. Vật liệu để sản xuất vữa phải đảm bảo yêu cầu và tiêu chuẩn kĩ thuật.

3.5. Khi xây dưới mực nước ngầm hoặc trong đất bão hoà nước, phải dùng vữa đông cứng trong nước.

3.6. Để nâng cao độ dẻo có thể cho thêm các chất phụ gia dẻo theo chỉ dẫn cuả thiết kế.

3.7. Thời gian trộn vữa bằng máy từ lúc đổ xong cốt liệu vào máy trộn không được nhỏ hơn 2 phút.

Thời gian trộn vữa bằng tay kể từ lúc bắt đầu trộn không được nhỏ hơn 3 phút. Trong quá trình trộn bằng máy, hoặc bằng tay, không được đổ thêm vật liệu vào cối vữa.

3.8. Vữa đã trộn phải dùng hết trước lúc bắt đầu đông cứng. Nếu vữa đã bị phân tầng, trước khi dùng phải trộn lại cẩn thận tại chỗ thi công.

3.9. Khi thi công trong mùa hè, mùa khô, mùa gió tây, phải đảm bảo đủ độ ẩm cho vữa đông cứng.

3.10.Chất lượng vữa phải được kiểm tra bằng thí nghiệm mẫu lấy ngay tại chỗ sản xuất vữa. 

3.11.Khi thay đồi vật liệu, thay đổi thành phần và mác vữa phải thí nghiệm kiểm tra vữa.

4.  Giàn giáo để xây :

4.1. Các loại dàn giáo phải đảm bảo ổn định, bền vững, chịu được tác dụng do người, do đặt vật liệu gạch đá có di chuyển các thùng vữa trên dàn giáo khi xây. Dàn giáo không được gây trở ngại cho quá trình xây dựng, tháo lắp phải dễ dàng, di chuyển không cồng kềnh khó khăn.

4.2. Lưới bảo hộ khi lên cao, bao che phía trên khi thao tác phía dưới trong khi các bộ phận khác đang làm việc bên trên.

4.3. Giàn giáo chống không được dựa vào tường đang xây, không bắc ván lên tường mới xây, dàn giáo phải cách tường đang xây ít nhất là 0,05 m.

4.4. Thường xuyên kiểm tra độ bền vững và độ ổn định đúng yêu cầu kĩ thuật an toàn.

B.  Các yêu cầu khi thi công kết cấu gạch xây :

a.   Gạch khi vận chuyển đến phải xếp gọn không được chất đống.

b.   Chênh lệch độ cao giữa các phần kề nhau của khối xây móng không được lớn hơn 1,2 m.

c.   Phải chừa sẵn các lỗ, rãnh đường ống nước, đường thông hơi, chỗ có trang chí, ...

d.   Các biện pháp liên kết các khung cửa sổ và cửa đi vào tường.

e.   Khi thi công khối xây bằng những blốc lớn, phải đảm bảo những trình tự sau:

·    Lấy dấu trục móng, đánh dấu đường mép móng, định vị góc và những chố ghép nối;

·    Đặt blốc góc và các blốc làm mốc;

·    Lấy dấu vị trí blốc ở từng hàng;

·    Xây blốc theo đường ngắm.

f.     Khi xây xong mỗi hàng blốc, phải kiểm tra độ ngang, bằng, độ cao các hàng đã xây.

g.   Độ ngang bằng, thẳng đứng của mặt bên và các góc trong khối xây gạch đá phải được kiểm tra ít nhất 2 lần trong một đoạn cao từ 0,5 m đến 0,6 m.

h.   Khi tạm ngừng xây phải để mỏ giật, không cho phép để mỏ nanh.

i.     Ở những đoạn thi công gần nhau hoặc giao nhau giữa tường ngoài và tường trong, độ chênh lệch và độ cao không được vượt quá chiều cao của 1 tầng.

j.     Khối xây bên trên lanh tô phải đủ độ cao, đủ cường độ mới được tháo gỡ vàn khuôn, thanh chống.

k.   Khi xây xong những kết cấu chịu lực của tầng dưới mới được xây các kết cấu ở tầng trên tiếp theo.

l.     Cứ xây xong một tầng thì phải kiển tra độ ngang bằng, đứng của khối xây.

m.  Không được va chạm mạnh, không được vận chuyển, đặt vật liệu, tựa dụng cụ và đi lại trực tiếp trên khối xây đang thi công, khối xây còn mới.

n.   Trong quá trình xây, nếu phát hiện vết nứt phải ngừng xây và báo cho Chủ đầu tư để tìm nguyên nhân và biện pháp xử lí, đồng thời phải làm mốc để theo dõi sự phát triển của vết nứt.

C.  Các khối xây :

1.   Khối xây gạch thường :

Các yêu cầu của khối xây :

a.   Khối xây phải đản bảo những nguyên tắc kĩ thuật thi công sau:

Ngang - bằng; đứng- thẳng; mặt phẳng; góc- vuông; mạch không trùng; thành một khối đặc chắc.

-   Khi xây tường gạch phải đảm bảo nguyên tắc “trên ăn dây, dưới ăn mí”

“trên ăn dây” có nghĩa là cạnh trên của viên gạch phải theo sát dây căng, vị trí của dây căng thường cao hơn cạnh viên gạch nửa lằng một ít để cho dây có thể rúng động theo mặt ngang, khi bị võng cũng dễ phát hiện.

“dưới ăn mí” có nghĩa là cạnh dưới của viên gạch phải thẳng đều với cạnh trên của viên gạch ở lớp dưới.

-   Khi xây phải biết chọn gạch. Khi cầm viên gạch trong tay cần phải xoay viên gạch xem mặt nào cân đối, vuông vắn thì đặt phía ngoài. Những thợ nề lâu năm có kinh nghiệm, thường mỗi lần nhặt một viên gạch là nhanh trí chú ý ngay hai viên xây tiếp theo, định trước là sẽ đặt viên nào ở vị trí nào. Vì vậy họ nhặt gạch rất chính xác, xây tườg rất đều và đẹp.

-   Khi xây viên gạch phải đặt thật bằng phẳng, rải vữa đều, không nên một bên dày, một bên mỏng làm cho viên gạch bị nghiêng. Nếu tạo thành thói quen như vậy, thì mặt tường xây xong sẽ bị gù hoặc trũng, có trường hợp tường tuy thẳng đứng nhưng mặt tường gồ ghề. Khi xây xong một viên gạch phải ngắm xem nó có bằng phẳng không, mặt gạch có thẳng theo dây không, nếu cao hơn, thấp hơn hoặc thò ra, thụt vào quá nhiều thì phải điều chỉnh ngay.

b.   Vữa xây dựng phải có cường độ đạt yêu cầu thiết kế và độ sụt  như sau :

·    Đối với tường và cột gạch; từ 9 đến 13 mm;

·    Đối với lanh tô xây vỉa;  từ 5 đến 6 mm;

·    Đối với các khối xây khác bằng gạch; từ 9 đến 13 mm;

c.   Kiểu cách xây và các hàng gạch giằng trong khối xây phải làm theo yêu cầu của thiết kế.

d.   Kiểu xây thường dùng trong khối xây là một dọc - một ngang hoặc ba dọc - một ngang.

e.   Khối xây gạch, chiều dày trung bình của mạch vữa ngang là 12 mm, chiều dày này không nhỏ hơn 8mm và không lớn hơn 15 mm. Chiều dày trung bình của mạch vữa đứng là 10 mm, chiều dày này không nhỏ hơn 8 mm và không lớn hơn 15 mm. Các mạch vữa đứng phải so le nhau ít nhất 50 mm.

f.     Tất cả các mạch vữa trong khối xây phải đầy vữa, phải đều và đặc chắc

Trong khối xây mạch lõm, chiều sâu không trát vữa của mạch phía mặt ngoài như sau:

·    Không lớn hơn 15 mm - đối với tường;

·    Không lớn hơn 10 mm - đối với cột.

g.   Cấm không được dùng gạch vỡ, gạch ngói vụn để chèn, đệm vào giữa khối xây chịu lực.

h.   Cho phép dùng cốt thép đặt trước trong tường chính và cột để giằng các tường, móng.

i.     Trong khối xây hàng dưới cùng và trên cùng phải đặt gạch nằm ngang, nếu hàng trên cùng nằm dưới các đáy dầm, sàn phải đặt gạch xiên 45o.

j.     Sai số trong mặt cắt ngang của các gối tựa dưới xà gồ, vì kèo, các dầm cầu trục và các kết cấu chịu lực khác theo bất kì một hớng nào so với vị trí thiết kế phải nhỏ hơn hoặc bằng 10 mm.

k.   Khi ngừng thi công phải che kín trên khối xây.

l.     Không được chất tải lên khối xây khi khối xây chưa đạt cường độ.

2.   Khối xây lanh tô :

a.   Hai đầu ăn sâu vào mảng tường hai bên cửa ít nhất 0,2 m kể từ mép cứng. Dưới hàng gạch cuối cùng của lanh tô, phải đặt một lớp vữa cốt thép. Số lượng không ít hơn 3 thanh. Những thanh cốt thép tròn dùng cho lanh tô phải có đường kính không nhỏ hơn 6 mm, hai đầu thép ăn sâu vào hai bên tường ít nhất 0,25 m và có uốn móc.

b.   Lanh tô xây vỉa đầu dưới mạch có chiều dày ít nhất 5 mm, đầu trên không dày hơn 25 mm. Lanh tô phải xây đồng thời từ hai đầu dồn vào giữa, viên gạch khoá phải nằm chính giữa lanh tô.

Chỉ cho phép dùng lanh tô xây bằng khi cửa có nhịp 1,2 m và xây vỉa khi nhịp trên 2 m.

c.   Mạch ngừng thi công đối với lanh tô xây cuốn nhịp lớn được phép bố trí cách hai đầu của lanh tô một cung chắn góc ở tâm 300o. Phần vành cung chắn còn lại phải xây hết trong các đợt tiếp theo.

d.   Gạch và mạch vữa trong lanh tô xây vỉa và xây cuốn phải cùng hướng vào tâm của vòm cuốn.

e.   Thời hạn giữ lanh tô trên ván khuôn đảm bảo khối xây đạt cường độ.

f.     Phần đua ra của mỗi hàng gạch trong khối xây không lớn hơn 1/3 chiều dài viên gạch. Toàn bộ phận đua ra của mái đua gạch không có cốt thép cho phép không lớn hơn 1/2 chiều dày tường.

g.    Mái đua có neo trong tường chỉ được xây khi tường có đủ cường độ thiết kế. Trong mọi trường hợp, đều phải chống giữ tạm đến khi mái đua và tường đạt cường độ yêu cầu

h.   Tường xây chèn kín trong các nhà khung phải liên kết với cột khung bằng các giằng thép. 

3.   Khối xây gạch cốt thép :

a.   Trong khối xây gạch có các lưới cốt thép ngang, chiều dày của mạch vữa phải lớn hơn tổng đường kính các thanh thép đan nhau ít nhất là 4 mm.

Khối xây cột và tường cạnh cửa phải dùng các lưới cốt thép ngang đan chữ nhật hoặc uốn chữ chi, buộc kĩ hoặc hàn chặt. Khoảng cách giữa các thanh trong lưới không nhỏ hơn 3 mm và không lớn hơn 12 mm. Đường kính cốt thép trong lưới không nhỏ hơn 3 mm, không lớn hơn       8 mm. Khi cốt thép có đường kính lớn hơn 5 mm thì được làm lưới chữ chi.

b.   Không được đặt các thanh thép rời để thay thế các lưới cốt thép buộc hoặc hàn trong khối xây.

Các đầu thanh cốt thép nhô ra khỏi mặt ngoài khối xây khoảng từ 2 đến 3 mm để tiện kiểm tra.

c.   Lưới cốt thép ngang đặt vào khối xây theo chỉ dẫn của thiết kế và không thưa quá 5 hàng gạch.

Lưới chữ chi phải đặt sao cho các thanh thép của hai lưới trong hai hàng khối xây kế tiếp nhau có hướng thẳng góc với nhau.

d.   Đường kính của thanh cốt dọc không nhỏ hơn 8 mm, cốt đai từ 3 đến 6 mm. Khoảng cách lớn nhất giữa các cốt đai không lớn hơn 5 mm.

Cốt dọc phải nối với nhau bằng liên kết hàm hoặc buộc bằng dây thép, đoạn nối dài 20d.

Các đầu thanh cốt thép chịu kéo phải uốn móc và neo vào lớp bê tông hoặc vữa.

e.   Đảm bảo chiều dầy lớp bảo vệ cốt thép.

Các loại kết cấu

gạch cốt thép

Chiều dầy lớp bảo vệ cho cốt thép đặt ở

Trong các phòng có

độ ẩm không khí

bình thường

Trong các cấu kiện

xây ngoài trời

Trong móng, các

phòng ẩm ớt

Dầm và cột

20

25

30

Tường

10

15

20

4.   Khối xây vòm, vỏ mỏng :

a.   Đối với khối xây vòm, vỏ mỏng hình trụ, vỏ mỏng cong hai chiều ván khuôn phải có kết cấu sao cho khi dỡ được đều nhau. Cột chống phải điều chỉnh được.

b.   Sai lệch kích thước ván khuôn vỏ mỏng cong hai chiều không lớn hơn các trị số quy định sau: Đối với trị số độ võng tại điểm bất kì: 1/200 trị số độ võng của vỏ; độ xê dịch ván khuôn ở tiết diện giữa so với mặt phẳng đứng: 1/200 trị số độ võng của vỏ; đối với chiều rộng nhịp vỏ: 10mm.

c.   Trước khi xây phải chia trước lên ván khuôn và điều chỉnh cho chẵn viên gạch.

d.   Tránh những va chạm mạnh làm méo, lệch ván khuôn.

e.   Trong khối xây vòm, vỏ,… không được dùng vữa xi măng đông cứng chậm, ở nhiệt độ thấp.

f.     Sau khi xây xong phần tường đỡ chân vòm, vỏ móng…, ít nhất 7 ngày mới được xây vòm và vỏ.

g.   Việc căng dây trong các vòm và vỏ phải làm ngay sau khi xây xong khối xây đó.

h.   Việc tháo dỡ ván khuôn phải đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng khối xây.

i.     Sau khi tháo ván khuôn mới xây các tường vượt đầu hồi.

j.     Khi xây vỏ mỏng và vòm, phải xây đồng thời từ hai chân dồn vào giữa.  

D.  Vệ sinh sau khi xây xong :

Sau khi xây xong phải làm sạch mặt tường ngay, khi xây, người thợ dùng bay cạo vữa lòi ra ngoài mạch gạch, nhưng mặt tường vẫn không sạch, mà còn rơi rớt lại vữa thừa. Sau khi xây xong một tầng giàn giáo cần dùng chổi quét sạch mặt tường. Nếu không kịp thời làm sạch mặt tường, thì vữa còn rơi rớt trên mặt tường sẽ đông cứng, về sau rất khó làm sạch, gây khó khăn cho việc trát và trang trí sau này.

E.   An toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh môi trường :

a.   Phải tuân thủ theo các biện pháp ATLĐ đã được lập ra.

b.   Kĩ sư, kỹ thuật viên và công nhân cần được học tập quy định về an toàn lao động trước khi thi công và thường xuyên được nhắc nhở. Phân công một cán bộ kiểm tra kỹ thuật ATLĐ.

c.   Công nhân khi làm việc phải có đầy đủ trang bị bảo hộ; phải đeo dây an toàn khi lên cao

d.   Lưới bảo hộ khi lên cao, bao che phía trên khi thao tác phía dưới

e.   Phân người kiểm tra  giàn giáo trong suốt quá trình thi công;

f.    Các đường dây điện phải đảm bảo an toàn khi thi công;

g.   Sau mỗi ca làm việc các thiết bị phải được vệ sinh sạch sẽ và trả lại kho công trường.

II.     KIỂM TRA VÀ NGHIỆM THU :

1.   Nghiệm thu trước khi tiến hành công việc tiếp theo.

2.   Kiểm tra và nghiệm thu :

a.   Bảo đảm mạch không trùng, chiều dày, độ đặc của mạch, độ thẳng đứng và nằm ngang, độ phẳng và thẳng góc…) ;vị trí các hàng gạch giằng;

b.   Việc đặt đúng và đủ các bộ phận giằng neo;

c.   Việc thi công chính xác các khe lún, khe co giãn;

d.   Việc thi công đúng các đường ống thông hơi, ống dẫn khói,vị trí các lỗ chừa sẵn;

e.   Kích thước của khối xây;

f.    Đặt và gia công cốt thép;

g.   Các tài liệu xác định mác vật liệu, bán thành phẩm và sản phẩm được sử dụng.

 

STT

Nội dung kiểm tra

Phương pháp kiểm tra

1

Sai lệch đường tim

Thước thép

2

Sai lệch về kích thước

Thước thép

3

Độ thẳng đứng của tường

Thước nhôm 2m, quả dọi

4

Độ sai lêch hàng

Mắt, thước thép

5

Độ bằng phẳng của mặt tường

Thước nhôm 2m

6

Mạch vữa (chiều dày, độ thẳng của mạch nằm ngang)

Mắt, thước thép

 

Đăng ký kênh Youtube để ủng hộ Giakhoan.com - Kênh Nhân công xây dựng Việt Nam 

Back to Top