Cẩm nang

Biện pháp thi công xây đá hộc công trình xây dựng

Mục đích hướng dẫn các công việc cần thực hiện trong công tác xây đá hộc và bê tông đá hộc
Biện pháp thi công xây đá hộc công trình xây dựng


I.     HƯỚNG DẪN :

A.  Công tác chuẩn bị và các yêu cầu khi thi công kết cấu gạch đá :

-      Sau khi mặt bằng đã được chuẩn bị xong, phải tiến hành xác định trục nhà và công trình, xác định tim móng và đường mép hố móng theo bản vẽ thi công.

-      Xác định các mốc cao độ, trục nhà và công trình phải được kiểm tra, nghiệm thu và lập thành biên bản.

-      Trước khi xây móng, đáy và thành hồ móng phải được kiểm tra và bảo vệ.

-      Khi các hố móng gần nhau có chiều sâu chân móng khác nhau, phải đào bậc chuyển từ chiều sâu này sang chiều sâu khác.

1.   Vật liệu :

a.   Vật liệu chế tạo hỗn hợp vữa xây phải đúng quy định, phải đảm bảo chất lượng.

b.   Các loại gạch xây phải đảm bảo yêu cầu về cường độ, quy cách, tiêu chuẩn kĩ thuật như quy định và đảm bảo chất lượng.

c.   Bãi chứa vật liệu phải khô ráo, sạch, thoát nước tốt, các vật liệu rời không đổ lẫn lộn với nhau.

d.   Gạch đá xếp đống phải đảm bảo kĩ thuật an toàn, không được để mọc rêu, mốc, bẩn.

2.   Vữa xây dựng :

a.   Xác định liều lượng pha trộn vữa tiến hành trước khi bắt đầu xây và được Chủ đầu tư chấp nhận.

b.   Vữa dùng trong khối xây gạch đá phải có mác và chỉ tiêu kĩ thuật thoả mãn yêu cầu thiết kế.

c.   Vật liệu để sản xuất phải đảm bảo yêu cầu và tiêu chuẩn kĩ thuật.

d.   Khi xây dưới mực nước ngầm hoặc trong đất bão hoà nước, phải dùng vữa đông cứng trong nước.

e.   Để nâng cao độ dẻo có thể cho thêm các chất phụ gia dẻo theo chỉ dẫn cuả thiết kế.

f.     Thời gian trộn vữa bằng máy từ lúc đổ xong cột liệu vào máy trộn không được nhỏ hơn 2 phút.

Thời gian trộn vữa bằng tay kể từ lúc bắt đầu trộn không được nhỏ hơn 3 phút. Trong quá trình trộn bằng máy, hoặc bằng tay, không được đổ thêm vật liệu vào cối vữa.

g.   Vữa đã trộn phải dùng hết trước lúc bắt đầu đông cứng. Nếu vữa đã bị phân tầng, trước khi dùng phải trộn lại cẩn thận tại chỗ thi công.

h.   Khi thi công trong mùa hè, mùa khô, mùa gió tây, phải đảm bảo đủ độ ẩm cho vữa đông cứng.

i.     Chất lượng vữa phải được kiểm tra bằng thí nghiệm mẫu lấy ngay tại chỗ sản xuất vữa. 

j.     Khi thay đồi vật liệu, thay đổi thành phần và mác vữa phải thí nghiệm kiểm tra vữa.

3.   Giàn giáo để xây :

a.   Công tác dàn giáo trong thi công khối xây gạch đá phải được thực hiện theo quy định.

b.   Các loại dàn giáo phải đảm bảo ổn định, bền vững, chịu được tác dụng do người do đặt vật liệu gạch đá có di chuyển các thùng vữa trên dàn giáo khi xây. Dàn giáo không được gây trở ngại cho quá trình xây dựng, tháo lắp phải dễ dàng, di chuyển không cồng kềnh khó khăn.

c.   Giàn giáo chống không được dựa vào tường đang xây, không bắc ván lên tường mới xây, dàn giáo phải cách tường đang xây ít nhất là 0,05m.

d.   Thường xuyên kiểm tra độ bền vững và độ ổn định đúng yêu cầu kĩ thuật an toàn.

4.   Các yêu cầu khi thi công kết cấu gạch đá :

a.   Gạch đá khi vận chuyển đến phải xếp gọn không được chất đống.

b.   Chênh lệch độ cao giữa các phần kề nhau của khối xây móng không được lớn hơn 1,2m.

c.   Phải chừa sẵn các lỗ, rãnh đường ống nước, đường thông hơi, chỗ có trang chí, ...

d.   Các biện pháp liên kết các khung của sổ và cửa đi vào tường.

e.   Độ ngang bằng, thẳng đứng của mặt bên và các góc trong khối xây gạch đá phải được kiểm tra ít nhất 2 lần trong một đoạn cao từ 0,5m đến 0,6m.

f.     Khi tạm ngừng xây phải để mỏ giật, không cho phép để mỏ nanh.

g.   Ở những đoạn thi công gần nhau hoặc giao nhau giữa tường ngoài và tường trong, độ chênh lệch và độ cao không được vượt quá chiều cao của 1 tầng.

h.   Khối xây bên trên lanh tô phải đủ độ cao, đủ cường độ mới được tháo gỡ vàn khuôn, thanh chống.

i.     Khi xây xong những kết cấu chịu lực của tầng dưới mới được xây các kết cấu ở tầng trên tiếp theo.

j.     Cứ xây xong một tầng thì phải kiển tra độ ngang bằng, đứng của khối xây.

k.   Không được va chạm mạnh, không được vận chuyển, đặt vật liệu, tựa dụng cụ và đi lại trực tiếp trên khối xây đang thi công, khối xây còn mới.

l.     Trong quá trình xây, nếu phát hiện vết nứt phải ngừng xây và báo cho Chủ đầu tư để tìm nguyên nhân và biện pháp xử lí, đồng thời phải làm mốc để theo dõi sự phát triển của vết nứt.

5.   Khối xây đá hộc và bê tông đá hộc :

a.   Khi xây móng mỗi hàng cao 0,3m, khi xây tường mỗi hàng cao 0,25m.

Trong mỗi hàng đá xây đều phải có hàng đá câu chặt, tạo hệ giằng theo các yêu cầu dưới đây:

·    Mỗi mét vuông trên bề mặt đứng của tường phải có ít nhất một hòn đá câu dài 0,40m;

·    Khi xây tường nhỏ hơn 0,40m phải đặt mỗi mét vuông 3 hòn đá câu suốt cả chân tường.

b.   Khi xây cột, trụ, phải bố trí các viên đá mặt có chân cắm sâu vào khối xây.

Khi xây tường giao nhau, trong từng hàng phải bố trí các viên đá câu chặt các đầu tường với nhau. Không xây trùng mạch ở mặt ngoài cũng như bên trong khối xây.

c.   Khi xây đá hộc không thành hàng, ngoài những yêu cầu như đối với đá hộc xây thành lớp, phải tuân theo những quy định sau đây:

·    Chiều dầy các mạch vữa không lớn hơn 20mm và phải đều nhau; các mạch xây ngang dọc không được tập trung vào thành một điểm nút, không phải những mạch chéo kéo dài, những mạch đứng song song, mạch chéo chữ thập, mạch vữa lồi lõm;

·    Đá lớn nhỏ phải phân phối đều trong khối xây. Không chèn đá vụn vào các mạch vữa ngoài mặt khối xây.

d.   Khi xây đá đẽo, chiều dầy mạch không lớn hơn 15mm, mặt ngoài phải phẳng nhẵn ở các góc phải xây kiểu chồng cũi lợn bằng các viên đá dài, rộng ít nhất là 0,30m. Khi đặt phải chú ý cho thớ dọc viên đá tương đối thẳng góc với phương chịu lực. Mạch vữa đứng cần được nhồi chặt vữa bằng bay hay thanh thép 10.

e.   Lớp ốp gạch (hoặc đá) của khối xây đá hộc cần phải làm cùng lúc với khối xây. Cách từ 4 đến 6 hàng gạch dọc phải giằng bằng hàng gạch ngang; hàng gạch ngang này phải trùng với mạch ngang của khối tường xây đá hộc.

f.     Khi thi công, độ chênh lệch chiều cao giữa những phần tường kề nhau không được lớn hơn 12m. chiều cao của tường khi tạm ngừng trong giai đoạn thi công không được lớn hơn 1,2m.

Trường hợp có thể chiều cao ngừng tới 4m nhưng phải có biện pháp bảo đảm ổn định khối xây.

g.   Trước khi ngừng xây, phải nhét đầy vữa và chèn đá nhỏ vào các khe rỗng bên trong hàng đá xây trên cùng. Khi xây tiếp, phải trải vữa trên bề mặt hàng này.

h.   Khi thi công khối xây bê tông đá hộc, việc chế tạo hỗn hợp bê tông, dựng lắp và tháo dỡ ván khuôn, việc kiểm tra chất lượng bê tông phải đúng quy phạm và thiết kế.

i.     Khối xây bê tông đá hộc là hỗn hợp của bê tông và đá hộc. Thể tích đá hộc trong bê tông chiếm khoảng ½ thể tích khối xây.

j.     Trong khối xây bê tông đá hộc, hỗn hợp bê tông được rải theo từng lớp ngang dọc dày không lớn hơn 0,2m. Đá hộc được độn liên tục thành hàng vào lớp bê tông đó cho ngập quá nửa chiều dày đá và khoảng cách giữa các hàng từ 4 đến 6mm. Kích thước của viên đá không được lớn hơn 1/3 chiều dày của kết cấu. Không được thả đá vào hỗn hợp bê tông đã bắt đầu dính kết.

k.   Khối xây bê tông đá hộc được đầm rung từng lớp, hỗn hợp bê tông phải có độ sụt từ 5 đến 7mm.

l.     Chỉ được ngừng thi công sau khi đã độn xong đá hộc vào lớp bê tông và đầm chặt.

m.  Việc bảo dưỡng khối xây đá hộc tiến hành giống bảo dưỡng cho các kết cấu bê tông toàn khối.

B.  An toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh môi trường :

a.   Phải tuân thủ theo các biện pháp ATLĐ đã được lập ra.

b.   Kĩ sư, kỹ thuật viên và công nhân cần được học tập quy định về an toàn lao động trước khi thi công và thường xuyên được nhắc nhở. Phân công một cán bộ kiểm tra kỹ thuật ATLĐ.

c.   Công nhân khi làm việc phải có đầy đủ trang bị bảo hộ; phải đeo dây an toàn khi lên cao

d.   Phân người kiểm tra  giàn giáo trong suốt quá trình thi công;

e.   Các đường dây điện phải đảm bảo an toàn khi thi công;

f.    Sau mỗi ca làm việc các thiết bị phải được vệ sinh sạch sẽ và trả lại kho công trường.

II.     KIỂM TRA VÀ NGHIỆM THU :

1.   Nghiệm thu trước khi tiến hành công việc tiếp theo.

2.   Kiểm tra và nghiệm thu :

a.   Bảo đảm mạch không trùng, chiều dày, độ đặc của mạch, độ thẳng đứng và nằm ngang, độ phẳng và thẳng góc…) ;

b.   Chiều dày và độ đặc của các mạch vữa liên kết, vị trí các hàng gạch giằng;

c.   Việc đặt đúng và đủ các bộ phận giằng neo;

d.   Việc thi công chính xác các khe lún, khe co giãn;

e.   Việc thi công đúng các đường ống thông hơi, ống dẫn khói,vị trí các lỗ chừa sẵn;

f.    Kích thước của khối xây;

g.   Đặt và gia công cốt thép;

h.   Các tài liệu xác định mác vật liệu, bán thành phẩm và sản phẩm được sử dụng. 

 

Đăng ký kênh Youtube để ủng hộ Giakhoan.com - Kênh Nhân công xây dựng Việt Nam
Back to Top