Cẩm nang

Biện pháp thi công đổ bê tông công trình xây dựng

Mục đích cần tuân thủ để bảo đảm công tác thi công đổ bêtông đạt chất lượng theo yêu cầu của công trình.

Biện pháp thi công đổ bê tông công trình xây dựng - Giá khoán Xây dựng

I.     HƯỚNG DẪN :

A.     CÔNG TÁC BÊ TÔNG :

Tùy theo tiêu chuẩn đã thoả thuận trong hợp đồng công tác thi công đổ bêtông tại công trường sẽ thực hiện theo hai phương thức là:

- Mua bêtông tươi đã trộn sẵn chở đến công trường.

- Đong lường cấp phối vật liệu và trộn tại công trường.

1.   Yêu cầu chung :

a.   Các vật liệu để sản xuất bê tông phải đúng thiết kế, phải có chứng chỉ kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; và phải kiểm tra thí nghiệm khi cần thiết.

b.   Khi  lưu kho, vận chuyển, vật liệu phải được bảo quản, tránh bẩn hoặc bị lẫn lộn cỡ và chủng loại. Kho chứa vật liệu phải khô ráo, sạch sẽ, thoáng và tiện sử dụng.

c.   Các loại vật liệu không đề cập trong thiết kế, không hoàn toàn phù hợp tiêu chuẩn hoặc không đề cập trong tiêu chuẩn này, chỉ sử dụng để sản xuất bê tông khi được sự đồng ý của chủ đầu tư.

d.   Chọn thiết bị thi công phù hợp với kích thước tiết diện, đường kính cốt liệu và vị trí của cấu kiện.

2.   Chuẩn bị :

2.1. Chuẩn bị các dụng cụ, thiết thi công và chiếu sáng (thi công đêm).

2.2. Bố trí nhân lực thi công, kiểm tra, an toàn lao động.

3.   Thi công bê tông :

A.  Dùng bê tông tươi :

Bêtông được hãng cung ứng trộn sẵn và chở đến bằng xe bồn đến công trường. Tại công trường cần kiểm tra các bước sau:

3.1. Chọn thành phần bê tông :

a.   Để đảm bảo chất lượng của bê tông thành phần bê tông được chọn như sau:

·    Thành phần vật liệu phải được thiết kế thông qua phòng thí nghiệm.

·    Sử dụng đúng các vật liệu thiết kế.

·    Đảm bảo độ sụt của hỗn hợp bê tông trước khi đổ.

b.   Hiệu chỉnh thành phần bê tông tại hiện trường

·    Việc hiệu chỉnh tiến hành theo nguyên tắc không làm thay đổi tỉ lệ N/X của hỗn hợp bê tông.

·    Khi cốt liệu ẩm cần giảm bớt lượng nước trộn, giữ nguyên độ sụt yêu cầu.

·    Khi cần tăng độ sụt hỗn hợp bê tông phải đảm bảo giữ nguyên tỉ lệ N/X.

3.2. Vận chuyển hỗn hợp bê tông :

a.   Bê tông được vận chuyển đến công trình bằng xe trộn. Mỗi xe đến công trường phải kèm theo phiếu xuất hàng có ghi đầy đủ các thông tin liên quan đến chất lượng bê tông và thời gian xuất xưởng.

b.   Bê tông được chuyển đến chỗ đổ bằng xe trộn đổ trực tiếp vào xe bơm.

3.3. Kiểm tra bê tông: Được lấy tại nơi đổ bê tông và bảo dưỡng ẩm theo quy định :

Mỗi xe bê tông vào công trường phải kiểm tra :

·    Phiếu giao nhận hàng có phù hợp không :

So sánh với thiết kế nếu không đạt yêu cầu thì không được đổ vào cấu kiện.

Thời gian từ lúc bê tông trộn xong đến lúc đổ vào cấu kiện không quá 1,5h.

·    Độ sụt của bêtông kiểm tra bằng nón cụt (côn) so với độ sụt trong phiếu giao hàng và độ sụt yêu cầu theo bảng (kèm theo biên bản thử độ sụt)

 

Loại và tính chất của kết cấu

Độ sụt, mm

Đầm máy

Đầm tay

- Lớp lót dưới móng hoặc nền nhà, nền đường và nền đường băng

- Mặt đường và đường băng, nền nhà, kết cấu khối lớn không hoặc ít cốt thép (tường chắn, móng bloc…)

- Kết cấu khối lớn có tiết diện lớn hoặc trung bình

- Kết cấu bê tông cốt thép có mật độ cốt thép dầy đặc, tường mỏng, phễu silô, cột, dầm và bản tiết diện bé… các kết cấu bê tông đổ bằng cốt pha di động.

- Các kết cấu đổ bằng bê tông bơm

0 - 10

 

0 - 20

20 - 40

 

50 - 80

-

 

20 - 40

40 - 60

 

80 - 120

120 - 200

Đối với bê tông trộn tại hiện trường cần kiểm tra ngay sau khi trộn mẻ bê tông đầu tiên;

Đối với bê tông thương phẩm cần kiểm tra mỗi lần giao hàng tại nơi đổ bê tông;

Khi trộn bê tông trong điều kiện thời tiết và độ ẩm vật liệu ổn định thì kiểm tra một lần/1ca;

Khi có sự thay đổi chủng loại và độ ẩm vật liệu cũng như khi thay đổi thành phần cấp phối bê tông thì phải kiểm tra ngay mẻ trộn đầu tiên, sau đó kiểm tra thêm ít nhất một lần trong một ca.

·    Lấy mẫu bê tông: Mỗi tổ gồm 3 viên kích thước 150 mm x 150 mm x 150 mm. Số lượng tổ mẫu được quy định theo khối lượng như sau (kèm theo biên bản lấy mẫu bê tông) :

Đối với bê tông khối lớn cứ 500 m3 lấy một tổ mẫu khi khối lượng bê tông trong một khối đổ lơn hơn 1000 m3 và cứ 250 m3 lấy một tổ mẫu;

Với móng lớn, cứ 100 m3 bê tông lấy một mẫu nhưng không ít hơn 1 mẫu cho một khối móng;

Đối với bê tông móng bệ máy có khối đổ lơn hơn 50 m3 thì cứ 50 m3 lấy một tổ mẫu nhưng vẫn lấy một tổ mẫu khi khối lượng ít hơn 50 m3;

Đối với khung và các kết cấu mỏng (cột, dầm, bản, vòm…) cứ 20 m3 lấy một tổ mẫu…

Các kết cấu đơn chiếc có khối lượng ít hơn thì khi cần vẫn lấy một tổ mẫu;

Đối với bê tông nền, mặt đường (đường ô tô, đường băng…) cứ 200m3 bê tông lấy một mẫu nhưng nếu khối lượng bê tông ít hơn 200m3 vẫn lấy một tổ mẫu;

Để kiểm tra tính chống thấm nước của bê tông, cứ 500 m3 lấy một tổ mẫu nhưng nếu khối lượng bê tông ít hơn vẫn lấy một tổ mẫu

3.4. Đổ và đầm bê tông :

a.   Việc đổ bê tông phải đảm bảo các yêu cầu :

·    Không làm sai lệch vị trí cốt thép, vị trí cốp pha và chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép.

·    Không dùng đầm dùi để dịch chuyển ngang bê tông trong cốp pha.

·    Bê tông phải được đổ liên tục cho đến khi hoàn thiện một kết cấu nào đó theo quy định.

b.   Để tránh sự phân tầng, Chiều cao rơi tự do của hỗn hợp bê tông khi đổ không vượt quá 1.5 m.

c.   Chiều cao đổ lớn hơn 1,5 m phải dùng máng nghiêng hoặc ống vòi voi. Nếu chiều cao rơi trên 10 m phải dùng ống vòi voi có thiết bị chấn động.

d.   Khi dùng máng nghiêng thì độ dốc của máng cần đảm bảo để hỗn hợp bê tông không bị tắc, không trượt nhanh sinh ra hiện tượng phân tầng. 

e.   Khi đổ bê tông phải đảm bảo các yêu cầu :

·    Giám sát chặt chẽ hiện trạng cốp pha đà giáo và cốt thép trong quá trình thi công.

·    Mức độ đổ hỗn hợp bê tông vào cốp pha phải phù hợp áp lực ngang của cốp pha.

·    Khi trời mưa phải che chắn nếu ngừng đổ bê tông quá thời gian phải đợi đến khi bê tông đạt     25 daN/cm2 mới được đổ tiếp, trước khi đổ lại bê tông phải xử lí bề mặt.

·    Đổ bê tông vào ban đêm và khi có sương mù phải đảm bảo đủ ánh sáng.

f.    Chiều dày mỗi lớp đổ bê tông phải phù hợp.

g.   Đổ bê tông móng: đảm bảo theo 2.4a bê tông được đổ lên lớp đệm sạch trên nền đất cứng.

h.   Đổ bê tông cột, tường :

·    Cột có chiều cao nhỏ hơn 5 m và tường có chiều cao nhỏ hơn 3 m thì nên đổ liên tục.

·    Cột có kích thước cạnh < 40 cm, tường có chiều dày < 15 cm nên đổ từng đoạn cao 1,5 m.

·    Cột cao > 5 m và tường cao >3 m nên chia làm nhiều đợt đổ bê tông, nhưng phải bảo đảm vị trí và cấu tạo mạch ngừng thi công hợp lí.

i.     Đổ bê tông kết cấu khung: Kết cấu khung nên đổ liên tục, chỉ khi cần thiết mới cấu tạo mạch ngừng.

j.     Đổ bê tông dầm, bản :

·    Khi đổ liên tục bê tông dầm, bản toàn khối với cột hay tường, trước hết đổ xong cột hay tường, sau đó dừng lại 1 giờ - 2 giờ để bê tông có đủ thời gian công tác ngót ban đầu, mới tiếp tục đổ bê tông dầm và bản. Trường hợp không cần đổ bê tông liên tục thì mạch ngừng thi công ở cột và tường đặt cách mặt dưới của dầm và bản từ 2 cm – 3 cm.

·    Đổ bê tông dầm và bản sàn phải tiến hành đồng thời. Khi dầm, sàn và các kết cấu tương tự có kích thước lớn có thể đổ riêng từng phần nhưng phải bố trí mạch ngừng thi công thích hợp.

k.   Đổ bê tông kết cấu vòm :

·    Các kết cấu vòm phải đổ bê tông đồng thời từ hai bên chân vòm đến đỉnh vòm, không đổ bên thấp bên cao. Nếu có mạch ngừng thi công thì mặt phẳng của mạch ngừng phải vuông góc.

·    Vòm có khẩu độ dưới 10 m nên bê tông liên tục từ chân vòm đến đỉnh vòm.

·    Vòm có khẩu độ lớn hơn 10 m thì cứ 2 m – 3 m có một mạch ngừng vuông góc với trục cong của vòm, rộng 0,6 m - 0,8 m. Các mạch ngừng này được chèn lấp bằng bê tông có phụ gia.

l.     Đổ bê tông tường trên đó có xây vòm của đường hầm phải đảm bảo các quy định sau:

·    Đổ dần cho đến độ cao cách chân vòm 40 cm thì dừng lại, và sau đó thi công vòm.

·    Phần bê tông tiếp giáp giữa tường và chân vòm được xử lí đảm bảo yêu cầu của thiết kế.

m. Đổ bê tông mặt đường, sân bãi và đường băng sân bay phải đảm bảo các yêu cầu sau:

·    Đổ bê tông liên tục hết toàn bộ chiều dày mỗi lớp bê tông;

·    Đặt khe công tác giãn nhiệt ẩm theo quy định của thiết kế.

·    Thời gian ngừng đổ bê tông giữa hai lớp phải theo quy định.

n.   Chiều dày mỗi lớp đổ bê tông phải căn cứ vào năng lực trộn, cự li vận chuyển, khả năng đầm, tính chất của kết cấu và điều kiện thời tiết để quyết định, nhưng không vượt quá các trị trong bảng.

 

Phương pháp đầm

Chiều dày cho phép mỗi lớp đổ bê tông, cm

Đầm dùi

1,25 chiều dài phần công tác của đầm (khoảng 20cm - 40cm)

Đầm mặt: (đầm bàn)

- Kết cấu không có cốt thép và kết cấu có cốt thep đơn

- Kết cấu có cốt thép kép

 

20

 

12

Đầm thủ công

20

o.   Đầm bê tông :

·    Phải đảm bảo sao cho sau khi đầm, bê tông được đầm chặt và không bị rỗ;

·    Thời gian đầm tại mỗi vị trí phải đảm bảo cho bê tông được đầm kĩ. Dấu hiệu để nhận biết bê tông đã được đầm kĩ là vữa xi măng nổi lên bề mặt và bọt khí không còn nữa;

·    Khi sử dụng đàm dùi, bước di chuyển của đầm không vượt quá 1,5 bán kính tác dụng của đầm và phải cắm sâu vào lớp bê tông đã đổ trước 10 cm;

·    Khi cần đầm lại bê tông thì thời điểm đầm thích hợp là 1,5 giờ - 2 giờ sau khi đầm lần thứ nhất.

3.5. Bảo dưỡng bê tông :

a.   Sau khi đổ bê tông phải được bảo dưỡng trong điều kiện có độ ẩm và nhiệt độ cần thiết để đóng rắn và ngăn ngừa các ảnh hưởng có hại trong quá trình đóng rắn của bê tông.

b.   Bảo dưỡng ẩm

·    Bảo dưỡng ẩm là giữ cho bê tông có đủ độ ẩm cần thiết để ninh kết và đóng rắn;

·    Sau khi đổ bêtông xong 03 giờ, cần tưới nước dưỡng hộ bêtông lần thứ nhất, sau đó cứ 02 giờ tưới một lần (khoảng 04 lần cho ngày đầu), các ngày tiếp theo khoảng 03 lần/ngày, kéo dài trong một tuần.

·    Trong thời kì bảo dưỡng bê tông phải dược bảo vệ chống các tác động cơ học.

3.6.      Mạch ngừng thi công : Phải đặt ở vị trí mà lực cắt và momen uốn tương đối nhỏ, đồng thời phải vuông góc với phương truyền lực nén vào kết cấu.

a.   Mạch ngừng thi công nằm ngang :

·    Mạch ngừng thi công nằm ngang nên đặt ở vị trí bằng chiều cao cốp pha.

·    Trước khi đổ phải bê tông mới, phải bề xử lý mặt bê tông cũ, làm nhám ẩm và trong khi đổ phải dầm lèn sao cho lớp bê tông mới bám chặt lớp bê tông cũ, đảm bảo tính liền khối của kết cấu.

b.   Mạch ngừng thẳng đứng :

·    Mạch ngừng thi công theo chiều thẳng đứng hoặc theo chiều nghiêng nên cấu tạo bằng lưới thép với mắt lưới 5 mm – 10 mm và có khuôn chắn.

·    Trước khi đổ lớp bê tông mới cần tưới nước làm ẩm bề mặt bê tông cũ, làm nhám bề mặt, rửa sạch và trong khi đổ phải đầm kỹ để đảm bảo tính liền khối của kết cấu

c.   Mạch ngừng thi công ở cột nên đặt ở vị trí sau :

·    ở mặt trên của móng.

·    ở mặt dưới của dầm, xà hay dưới công xôn đỡ dầm cầu trục.

·     ở mặt trên của dầm cần trục.

d.   Dầm kích thước lớn và liền khối với bản thì mạch ngừng thi công bố trí cách mặt dưới của bản từ    2 cm – 3 cm.

e.   Khi đổ bê tông sàn phẳng thì mạch ngừng thi công có thể đặt ở bất kỳ vị trí nào nhưng phải song song với cạch ngắn nhất của sàn.

f.    Khi đổ bê tông ở các tấm sàn có sườn theo hướng song song với dầm phụ thì mạch ngừng thi công bố trí trong khoảng 1/3 đoạn giữa của nhịp dầm.

Khi đổ bê tông theo hướng song song với dầm chính thì mạch ngừng thi công bố trí ở trong hai khoảng giữa nhịp dầm và sàn (mỗi khoảng dài 1/4 nhịp).

g.   Khi đổ bê tông kết cấu khối lớn, vòm, bể chứa, công trình thủy lợi, cầu và các bộ phận phức tạp của công trình, mạch ngừng thi công phải thực hiện theo quy định của thiết kế.

3.7. Thi công bê tông khối lớn :

a.   Bê tông và bê tông cốt thép được gọi là khối lớn khi kích thước cạnh nhỏ nhất không dưới 2,5 m và chiều dày lớn hơn 0.8 m.

Khi thi công bê tông khối lớn phải có các biện pháp hạn chế ứng suất nhiệt phát sinh do chênh lệch nhiệt độ giữa mặt ngoài và trong lòng khối bê tông trong quá trình đóng rắn.

b.   Khi thi công bê tông khối lớn phải thực hiện những quy định sau :

·    Chia kết cấu thành nhiều khối đổ theo chiều cao.

·    Việc đổ bê tông khép kín theo quy định.

·    Đối với móng chịu tải trong  động nên đổ bê tông liền, không có mạch ngừng thi công.

·    Bê tông phải đổ liên tục thành nhiều lớp có chiều dày đều nhau.

·    Khoảng thời gian ngừng cho phép giữa các lớp đổ để không tạo thành khe lạnh.

c.   Khi xử lý cần thực hiện như sau :

·    Cường độ của lớp bê tông bên dưới chưa đạt đến 25 daN/cm2 thì không được làm công tác chuẩn bị ở trên mặt để đổ lớp bê tông khác.

·    Mặt bê tông đã đông kết và sau 4 giờ đến 10 giờ thì dùng vòi phun nước bàn chải sắt làm nhám mặt bê tông.

·    Trước khi đổ bê tông lớp trên, mặt bê tông xử lý phải vệ sinh sạch, hút khô nước và trải một lớp vữa xi măng cát vàng dày 2 cm – 3 cm.

d.   Tránh tháo cốp pha khi có sự chênh lệch nhiệt độ giữa khối bê tông và nhiệt độ môi trường. Không tháo cốp pha khi có luồng gió lạnh. Khi nhiệt độ trong lòng bê tông và nhiệt độ môi trường chênh lệch nhau quá 15oC - 20 oC thì phải có lớp phủ bảo vệ bề mặt bê tông sau khi tháo cốp pha.

e.   Bảo dưỡng bê tông khối lớn.

Nhiệm vụ chủ yếu của việc bảo dưỡng bê tông khối lớn là khống chế sự chênh lệch nhiệt độ giữa bề mặt bê tông và trong lòng khối bê tông nhằm hạn chế vết nứt vì nhiệt :

·    Dẫn nhiệt từ trong lòng khối bê tông ra ngoài bằng đường ống với nước có nhiệt độ thấp hoặc bằng không khí lạnh.

·    Bao phủ bề mặt bê tông để giữ cho nhiệt độ của khối bê tông được đồng đều từ trong ra ngoài.

·    Không tháo dỡ cốp pha trước 7 ngày.

3.8.      Thi công bê tông trong thời tiết nóng và trong mùa mưa :

a.   Áp dụng các biện pháp phòng ngừa và xử lý thích hợp đối với vật liệu, quá trình trộn, đổ, đầm và bảo dưỡng bê tông để không làm tổn hại đến chất lượng bê tông.

b.   Khống chế nhiệt độ của hỗn hợp bê tông từ mái trộn £ 30oC, khi đổ £ 35 oC.

c.   Việc khống chế nhiệt độ hỗn hợp bê tông có căn cứ vào điều kiện thực tế để áp dụng như sau :

·    Dùng nước mát để hạ thấp nhiệt độ cốt liệu lớn, để trộn và bảo dưỡng bê tông.

·    Thiết bị, phương tiện thi công, bãi cát đá, nơi trộn và nơi đổ bê tông cần được che nắng.

·    Dùng xi măng ít tỏa nhiệt.

·    Dùng phụ gia hóa dẻo có đặc tính phù hợp với môi trường nhiệt độ cao.

·    Đổ bê tông vào ban đêm hoặc sáng sớm và không nên đổ vào những ngày có nhiệt độ > 35 oC.

d.   Thi công bê tông trong mùa mưa cần đảm bảo các yêu cầu sau :

·    Phải  có các biện pháp thoát nước cho bãi vật liệu, đường vận chuyển, nơi trộn và nơi đổ.

·    Tăng cường công tác thí nghiệm xác định độ ẩm của cốt liệu để kịp thời điều chỉnh lượng nước trộn, đảm bảo giữ nguyên tỉ lệ nước/xi măng theo đúng thành phần đá chọn.

·    Cần có mái che chắn trên khối đổ khi tiến hành thi công bê tông dưới trời mưa.

3.9.      Thi công bê tông bằng cốp pha trượt :

a.   Quá trình thi công bê tông bằng cốp pha trượt được thực hiện theo những quy định sau :

Đổ bê tông tạo chân trước khi trượt với độ cao 70 cm – 80 cm, chỉ làm hai lớp như sau :

·    Lớp thứ nhất được đổ vào cốp pha với chiều cao 35 cm – 40 cm.

·    Lớp thứ hai được đổ tiếp theo, khi lớp thứ nhất đã được đổ và đầm xong trên toàn bộ cốp pha nhưng bê tông chưa ninh kết.

Sau bước nâng đầu tiên, quá trình đổ và trượt được thực hiện liên tục. Lúc này mỗi lớp bê tông được đổ với chiều cao phù hợp với biện pháp thi công.

b.   Việc nâng cốp pha theo chu kỳ được thực hiện theo tốc độ trượt đã xác định trong thiết kế tổ chức thi công, nhưng đảm bảo khi trượt lô bê tông thì cường độ bê tông đã đạt từ 15 N/cm2 – 25 N/cm2.

c.   Kiểm tra độ thăng bằng của sàn thao tác, sai số tim trục và độ thẳng đứng của cốp pha trượt được thực hiện bằng các thiết bị, phương tiện và biện pháp thích hợp để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

d.   Bề mặt bê tông cần được giữ ẩm.

3.10.   Hoàn thiện bề mặt bê tông :

a.   Bề mặt bê tông phải thảo mãn yêu cầu về chất lượng, độ phẳng và đồng đều theo thiết kế.

b.   Hoàn thiện thông thường: Độ gồ ghề không vượt quá 7mm và phải đảm bảo đồng đều về màu sắc.

c.   Hoàn thiện cấp cao: Độ gồ ghề không vượt quá 5mm và phải đảm bảo đồng đều về màu sắc.

B.  Bê tông trộn tại công trường :

Mọi công đoạn giống như bê tông tươi nhưng bổ sung thêm công đoạn chế tạo hỗn hợp bê tông:

Thông thường nên sử dụng máy trộn 250 lít để trộn mỗi mẻ 01 bao xi măng. Tại công trường cần thực hiện các bước kiểm tra sau :

3.11.   Xi măng, cát, đá dăm và các chất phụ gia lỏng chế tạo hỗn hợp bê tông được cân theo khối lượng (đong theo thể tích). Nước và chất phụ gia đong theo thể tích. Sai số không vượt quá quy định.

3.12.   Trình tự đổ vật liệu vào máy trộn cần theo quy định sau :

·    Trước hết đổ 15% - 20% lượng nước, sau đó đổ xi măng và cốt liệu cùng một lúc đồng thời đổ dần liên tục phần nước còn lại.

·    Khi dùng phụ gia thì việc trộn phụ gia phải thực hiện theo chỉ dẫn của người sản xuất phụ gia.

3.13.   Thời gian trộn phải phù hợp với đặc  trưng kỹ thuật của thiết bị trộn và độ sụt cần trộn.

3.14.   Trong quá trình trộn tránh để hỗn hợp bê tông bám dính vào thùng trộn.

3.15.   Nếu trộn bê tông bằng thủ công thì thứ tự trộn như sau: trộn đều cát và xi măng, sau đó cho đá và trộn đều thành hỗn hợp khô, cuối cùng cho nước và trộn đều.

B.     AN TOÀN LAO ĐỘNG (ATLĐ) VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG :

a.   Phải tuân thủ theo các biện pháp ATLĐ đã được lập ra.

b.   Kĩ sư, kỹ thuật viên và công nhân cần được học tập quy định về an toàn lao động trước khi thi công và thường xuyên được nhắc nhở. Phân công một cán bộ kiểm tra kỹ thuật ATLĐ.

c.   Công nhân khi làm việc phải có đầy đủ trang bị bảo hộ;

d.   Phân người kiểm tra cây chống, giàn giáo trong suốt quá trình thi công;

e.   Các đường dây điện phải đảm bảo an toàn khi thi công;

f.    Người sử dụng các thiết bị đầm phải có kinh nghiệm;

g.   Bê tông thừa không được bỏ bừa bãi;

h.   Sau khi thực hiện xong các thiết bị phải được vệ sinh sạch sẽ và trả lại kho công trường.

II.     KIỂM TRA VÀ NGHIỆM THU

1.   Nghiệm thu trước khi tiến hành công việc tiếp theo.

2.   Kiểm tra và nghiệm thu :

2.1. Việc kiểm tra gồm các khâu: Lắp dựng cốp pha đà giá, cốt thép, chất lượng bê tông (quy trình sản xuất, các tính chất của hỗn hợp bê tông và bê tông đã đông cứng).

2.2. Mẫu thử được lấy tại nơi đổ bê tông và bảo dưỡng ẩm theo quy định.

2.3. Kiểm tra cường độ bê tông ở tuổi 28 ngày được coi là đạt yêu khi giá trị trung bình của từng tổ mẫu không được nhỏ hơn mác thiết kế và không có mẫu nào dưới 85% mác thiết kế.

 

 

Các yêu cầu kỹ thuật chất lượng thi công :

 

Đối tượng kiểm tra

Phương pháp kiểm tra

1

2

1. Vật liệu

Xi măng

Xem phiếu giao hàng, thí nghiệm xác định các tính chất cơ lý

Cốt liệu

Xác định độ bền thành phần và độ bề của cốt liệu

Phụ gia và chất độn

Xem phiếu giao hàng, thí nghiệm mẫu bê tông của phụ gia

Nước

Thí nghiệm phân tích hóa học

2. Thiết bị

Trạm trộn, máy trộn đơn chiếc

Các thông số kỹ thuật

Thiết bị cân đong

Các thông số kỹ thuật

Thiết bị  dụng cụ thử độ sụt, lấy mẫu

Bằng các phương tiện kiểm tra thích hợp

Thiết bị vận chuyển và máy đầm bê tông

Các thông số kỹ thuật

3. Hỗn hợp bê tông trộn trên công trường

Độ sụt

Kiểm tra độ sụt theo TCVN 3106 : 1993

Độ đồng nhất của bê tông

So sánh các mẫu thử lấy từ các mẻ trộn khác nhau

Độ chống thấm nước

Thí nghiệm theo TCVN 3116 : 1993

Cường độ nén

Thử mẫu theo TCVN 3118 : 1993

Cường độ kéo khi uốn

Thử mẫu theo TCVN 3119 : 1993

4. Hỗn hợp bê tông trộn sẵn sử dụng trên công trường

Hỗn hợp bê tông

Xem phiếu giao hàng

Độ sụt

Kiểm tra độ sụt theo TCVN 3106 : 1993

Độ đồng nhát của bê tông

Bằng mắt

Cường độ nén

Thử mẫu theo TCVN 3118 : 1993

Cường độ kéo khi uốn

Thử mẫu theo TCVN 3119 : 1993

5. Quá trình trộn, tạo hình và bảo dưỡng

-   Tỉ lệ pha trộn vật liệu

-   Tỉ lệ N/X

Bảng thiết kế đo lường (tại nơi trộn)

Quy trình trộn

Đo lường vật liệu, thời gian trộn

Vận chuyển hỗn hợp bê tông

Đánh giá độ sụt và độ đồng nhất (tại nơi đổ bê tông)

Đổ bê tông

Bằng mắt

Đầm bê tông

Bằng mắt, thời gan đầm

Bảo dưỡng bê tông

Bằng mắt

Tháo dỡ cốp pha đà giáo

Thời gian và cường độ bê tông khi tháo cốp pha đà giáo

Các khuyết tật

Bằng mắt

6. Bê tông đã đông cứng

Bề mặt kết cấu

Bằng mắt

Độ đồng nhất

Theo 20 TCN 17 : 1989

Cường độ nén của bê tông

Dùng súng bật nảy và siêu âm, Khoan lấy mẫu từ kết cấu

Kích thước

Bằng các phương tiện đo thích hợp

 

Đăng ký kênh Youtube để ủng hộ Giakhoan.com - Kênh Nhân công xây dựng Việt Nam 

Back to Top